Tin tức

Bé tập thể dục tốt cho sức khỏe

Tập thể dục giúp bé có cảm giác sảng khoái, thoải mái, hăng say trong các hoạt động như vui chơi, học tập, giúp cha mẹ làm việc nhà… Vận động cơ thể thường xuyên khiến cho mạch máu lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa và tạo thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Tập thể dục giúp bé năng động, hoạt bát, cho bé hình thể đẹp, tư thế đúng. Hoạt động vận động thường xuyên làm săn chắc các nhóm cơ, tạo sức bền, chống béo phì.Khi có thể lực tốt thì bé sẽ có khả năng miễn dịch cao, chống lại những căn bệnh thường hay xảy ra vào thời điểm giao mùa hay khi có vụ dịch như cúm, sởi, phát ban…

Không chỉ tăng cường thể chất, tập thể dục còn cho bé một trí não tinh thông, sáng tạo, trí nhớ tốt.
Một số môn thể thao đối kháng (như võ, vật, đá bóng…) vừa có tác dụng tăng thể lực lại vừa giúp bé rèn luyện nhân cách, tình đoàn kết, kỹ năng hoạt động nhóm hiệu quả, biết cách ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Nên cho bé tập thể dục như thế nào?

Tùy thuộc vào lứa tuổi: Không cần phải đợi đến lúc bé có thể đi, chạy, nhảy mà ngay từ khi bé còn là sơ sinh, bạn cũng đã có thể giúp bé tập những động tác đơn giản như giơ chân, giơ tay hay matxa cho bé. Bé tập bò, tập đi, cha mẹ có thể giơ tay đón bé để bé nhoài tới, đó cũng là một hình thức rèn luyện thể lực. Bé ở độ tuổi mẫu giáo có thể đi bộ, chạy trong phòng, vươn người, ném bóng… Bé ở lứa tuổi học tiểu học có thể học bơi, học múa, tập thể dục thẩm mỹ, đi bộ, đá bóng…Bé càng lớn thì các lựa chọn càng nhiều với các môn như bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, chạy, nhảy cao, trượt patin, bơi…

Tùy thuộc vào hình thể: nếu bé có cân nặng cao thì có thể chọn những môn thể dục làm cho cơ thể săn chắc hơn và có xu thế giảm cân như bơi lội, thể hình… Nếu bé yếu ớt thì không nên chọn những môn đòi hỏi mất nhiều năng lượng, bé sẽ mệt, thậm chí suy kiệt cơ thể sau những buổi tập luyện căng thẳng và vất vả. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy bé không đủ sức khỏe để thực hiện các bài tập thể dục, hãy xin ý kiến của bác sĩ và chuyên gia thể dục trước khi quyết định cho bé tập luyện.

Tùy thuộc vào năng khiếu và sở thích của bé: khi được tập luyện những môn mà bé có năng khiếu và yêu thích thì bé sẽ tham gia một cách thoải mái, tự giác còn nếu bị ép thì bé sẽ phản kháng và không mấy quan tâm đến việc tập luyện. Tuy nhiên, đôi khi sở thích của bé cũng chỉ là cảm nhận chứ không có căn cứ rõ ràng và có thể còn không đủ khả năng tập luyện. Vì thế, cha mẹ cần tôn trọng sở thích của bé nhưng cũng phải theo dõi để hướng dẫn bé chọn đúng.

Tùy thuộc tính cách của bé: nếu bé thích hoạt động tập thể thì nên chọn cho bé các môn thể dục mang tính đồng đội hoặc cho bé tập cùng các bạn. Nhưng một số bé nhút nhát, ngại tiếp xúc với đám đông thì trước tiên hãy để bé tập cùng cha mẹ. Sau đó, bạn hãy giúp bé tiếp xúc với mọi người bằng cách tổ chức các hoạt động nhóm như dự tiệc sinh nhật, đi picnic với các gia đình khác, chơi các trò chơi với bạn cùng lứa tuổi. Khi bé đã tỏ ra mạnh dạn, hãy hướng bé vào các môn thể thao có tính tập thể để bé quen dần.

Phối hợp các môn thể thao để bé được phát triển toàn diện: nên cho bé tập cả các môn rèn luyện vận động (chạy, nhảy, bơi) và các môn rèn luyện trí tuệ (cờ tướng, cờ vua). Với những môn vận động, lưu ý các môn hoàn thiện kỹ năng đi, chạy, nhảy, trèo, ném, trượt giúp bé hình thành tư thế đúng và tạo sự hoạt động tích cực của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, các nhóm cơ… Bên cạnh đó, cần bổ sung các bài tập củng cố các nhóm cơ.

Mức độ tập luyện: nên cho bé tập từ mức thấp đến cao, luôn có khởi động trước những môn hoạt động thể lực.

Chọn thời gian và thời điểm tập luyện hợp lý: Việc lựa chọn thời gian và thời điểm tập luyện của bé rất quan trọng để việc tập không ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể (tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết…). Nên cho bé tập thể dục buổi sáng hàng ngày từ 10-15 phút (có thể dài hơn tùy độ tuổi), tập vào thời gian nhất định trước bữa ăn sáng hoặc cho bé đi dạo cùng cha mẹ vào các buổi chiều trước hoặc sau bữa tối ít nhất 1 tiếng.